Thay khớp vai đảo ngược

Thay khớp vai đảo ngược là biện pháp can thiệp kỹ thuật cao, với khớp nhân tạo cải tiến giúp người bệnh khôi phục gần như hoàn toàn biên độ vận động tự nhiên.

Thạc sĩ, bác sĩ CKI Đặng Khoa Học, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, khớp vai thuộc nhóm khớp lớn, giữ vai trò quan trọng trong toàn bộ hoạt động của chi trên. Đây là khớp có biên độ vận động lớn nhất, linh hoạt nhất của cơ thể. Khớp này được cấu tạo từ xương đòn, xương bả vai và xương cánh tay. Các xương kết nối với nhau tạo thành khớp cùng đòn và khớp ổ chảo cánh tay, được bao bọc bên trong các bao khớp chứa dịch khớp và dây chằng. Bọc bên ngoài khung xương này là cơ delta và bốn gân cơ chóp xoay.

Thay khớp vai đảo ngược là kỹ thuật dùng khớp vai nhân tạo, có cấu trúc ngược với khớp vai tự nhiên, để thay thế cho phần khớp vai thật đã bị tổn thương. Theo đó, vai trò của hai bộ phận quan trọng trong cấu trúc khớp vai tự nhiên là ổ chảo và chỏm xương cánh tay sẽ được đảo ngược. Phần chỏm xương cánh tay được thiết kế theo cấu trúc hình đĩa và ổ chảo sẽ được thiết kế theo dạng hình cầu. Hai cấu trúc này bám khít vào nhau, giúp khớp trở nên chắc chắn hơn.

Theo bác sĩ Đặng Khoa Học, thay khớp vai đảo ngược được chỉ định trong những trường hợp như: người đã từng thay khớp vai truyền thống nhưng không đạt được hiệu quả như mong đợi, khớp lỏng lẻo, tổn thương lớn chóp xoay; tổn thương khớp nặng, thoái hóa khớp vai, gãy phức tạp đầu trên xương cánh tay, rách lớn chóp xoay không thể phục hồi; viêm khớp dạng thấp tại khớp vai; các phương pháp điều trị khác không hiệu quả…

Hình ảnh khớp vai đảo ngược của người bệnh trên phim chụp. Ảnh: Shutterstock

Hình ảnh khớp vai đảo ngược của người bệnh trên phim chụp. Ảnh: Shutterstock

Thay khớp vai đảo ngược là một bước tiến lớn trong y học chấn thương chỉnh hình, thay đổi cơ chế chuyển động của khớp vai, mang đến nhiều ưu điểm vượt trội so với thay khớp vai truyền thống như:

Không đau, dễ cử động: nếu tiến hành thay khớp vai bằng phương pháp truyền thống có thể để lại di chứng đau và khó cử động. Trong khi đó, nếu thay khớp vai đảo ngược, sau phẫu thuật, cơ delta sẽ được sử dụng thay cho nhóm gân cơ chóp xoay, người bệnh dễ dàng nâng và xoay cánh tay hơn, tránh được nguy cơ trật khớp vai…

Tỷ lệ thành công cao lên đến 91%, thời hạn sử dụng khớp lâu, tối thiểu là 10 năm. Sau phẫu thuật thay khớp vai đảo ngược một tuần, bác sĩ ghi nhận biên độ vận động của người bệnh phục hồi gần như hoàn toàn.

Ngoài ra, khớp vai đảo ngược còn khắc phục một số nhược điểm của khớp vai truyền thống như giảm nguy cơ chỏm xương cánh tay bị trượt khỏi ổ chảo, tăng biên độ vận động cho khớp, hạn chế rách chóp xoay…

Bác sĩ Đặng Khoa Học đánh giá kết quả thay khớp vai. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bác sĩ Đặng Khoa Học đánh giá kết quả thay khớp vai. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bác sĩ Đặng Khoa Học cho biết thay khớp vai đảo ngược là một kỹ thuật khó, không chỉ đòi hỏi bác sĩ có chuyên môn cao mà còn cần hệ thống trang thiết bị hiện đại và các thiết kế khớp vai đạt yêu cầu. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là một trong số ít cơ sở y tế có khả năng thay khớp vai đảo ngược. Một ca phẫu thuật trung bình kéo dài 1 – 1,5 giờ. Người bệnh sẽ được thiết kế một cấu trúc chỏm xương cánh tay mới, có dạng hình đĩa lõm, trơn láng để tạo điều kiện cho khớp vai di chuyển thuận lợi. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ tiếp cận khớp vai thông qua một đường rạch khoảng 6 – 8 cm. Từ đó, kiểm tra khu vực chỏm xương cánh tay, loại bỏ chỏm xương đã bị hỏng và gai xương nếu có. Sau đó, tạo hình cho ổ chảo xương bả vai theo thiết kế hình cầu, có kích thước phù hợp với phần đầu xương cánh tay mới và khớp hai bộ phận này lại với nhau, kiểm tra khả năng di chuyển và tình trạng trật khớp bằng cách xoay cánh tay theo nhiều hướng khác nhau.

Bước cuối cùng trong quá trình phẫu thuật là sửa chữa lại các cơ và mô mềm đã bị tổn thương, can thiệp, khâu lại vết rạch trên da. Người bệnh có thể cử động lại sau mổ một ngày. Sau 6 – 8 tuần, người bệnh gần như khôi phục hoàn toàn.

Đọc thêm tại : vnexpress.net