Bí quyết kéo dài tuổi thọ của khớp háng

Sau khi thay khớp háng nhân tạo người bệnh nên tránh những động tác “chống chỉ định” để đảm bảo khớp háng có tuổi thọ dài nhất có thể.

Phẫu thuật thay khớp háng là quy trình cắt bỏ khớp háng bị hư hại do tổn thương bệnh lý và thay thế bằng khớp nhân tạo.

Nguy cơ trật khớp háng sau khi thay khớp nhân tạo

Tại Việt Nam, kỹ thuật này đã có hơn 40 năm được ứng dụng và phát triển. Đến nay đã có hàng nghìn trường hợp được thay khớp háng thành công mỗi năm.

Cấu tạo của khớp háng nhân tạo gồm 3 phần chính, gồm: Ổ cối nhân tạo (shell hay cup) nhằm thay thế phần ổ cối bị thoái hóa của bệnh nhân và phần chuôi khớp háng (hay stem) được đặt vào lòng tủy đầu gần của xương đùi.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I Đặng Khoa Học, bác sĩ ngoại Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, phần ổ cối và thân chuôi khớp nhân tạo sẽ liên kết với nhau qua cổ xương đùi và chỏm nhân tạo (neck, head). Các cấu trúc này được thiết kế theo đúng kích thước ban đầu của bệnh nhân hoặc giống bên chân lành nhằm giúp bệnh nhân cân bằng lực và đi lại thăng bằng sau mổ.

Bác sĩ Đặng Khoa Học thực hiện thay khớp háng bằng đường mổ cải tiến SuperPath. Ảnh: BVĐK Tâm Anh cung cấp.

Bác sĩ Đặng Khoa Học thực hiện thay khớp háng bằng đường mổ cải tiến SuperPath. Ảnh: BVĐK Tâm Anh cung cấp.

Sau khi thay khớp háng nhân tạo, người bệnh vẫn có nguy cơ trật khớp háng. Đối tượng nguy cơ cao thường rơi vào các trường hợp thay khớp háng bằng đường mổ cổ điển. Đường mổ của phương pháp cổ điển thường dài, từ 10-12 cm. Quá trình mổ, để bộc lộ khớp háng, phẫu thuật viên phải cắt toàn bộ nhóm cơ xoay ngoài cũng như bao khớp sau. Vì vậy, sau khi thay khớp háng nhân tạo “tường thành phía sau” khớp háng gần như không còn đủ độ vững chắc để giữ khớp, người bệnh sẽ bị giới hạn ở một số động tác nhất định.

Để khắc phục tình trạng trật khớp sau khi thay khớp háng nhân tạo, hiện nay chuyên gia sẽ áp dụng phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn bằng đường mổ cải tiến SuperPath – giúp bảo tồn nhóm cơ xoay ngoài cũng như bao khớp sau hoặc thay khớp háng đường trước. Đường mổ SuperPath rất nhỏ, khoảng 5 cm, không xâm lấn vào hệ thống cơ của người bệnh nên mất ít máu, giảm đau và bệnh nhân cũng phục hồi nhanh hơn. Tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, nhiều bệnh nhân thay một lúc 2 khớp háng. Các bệnh nhân sau 1 đến 2 ngày, có thể đứng dậy và tập đi với khung và bắt đầu các bài tập Vật lý trị liệu phục hồi.

Tránh ngồi xổm, bắt chéo chân

Theo bác sĩ Học, người bệnh thay khớp háng nhân tạo cần tránh thực hiện các động tác “chống chỉ định” sẽ rất dễ bị trật khớp háng. Cụ thể như bắt chéo chân, ngồi xổm, nằm nghiêng người không có gối đỡ… Ngoài ra, những người bị động kinh, người bị té ngã sau khi thay khớp háng nhân tạo sẽ có nguy cơ té ngã rất cao.

Thay khớp háng nhân tạo được chỉ định cho người bệnh đã bị hư hỏng toàn bộ phần khớp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng vận động. Ảnh: Shutterstock

Thay khớp háng nhân tạo được chỉ định cho người bệnh đã bị hư hỏng toàn bộ phần khớp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng vận động. Ảnh: Shutterstock

Thêm nữa, với người có bệnh nền, đặc biệt là người bị gãy cổ xương đùi, khi phải thay khớp háng thường có các bệnh lý mạn tính như tim mạch, hô hấp, huyết áp, loãng xương… Để người bệnh phục hồi tốt nhất, ngoài bác sĩ chấn thương chỉnh hình mổ thay khớp còn cần phải có sự phối hợp đa chuyên khoa. Bác sĩ tim mạch hỗ trợ nâng đỡ về tim, phòng chống huyết khối. Bác sĩ hô hấp hỗ trợ tránh tình trạng nằm lâu gây thuyên tắc phổi. Bác sĩ tiết niệu tránh cho người bệnh bị nhiễm trùng đường tiết niệu sau mổ.

“Đặc biệt quan trọng là vai trò của các bác sĩ phục hồi chức năng. Các bác sĩ chuyên ngành này sẽ giúp bệnh nhân ngồi lên, đi lại sớm, giúp bệnh nhân thở, phòng tránh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sau mổ, tránh tình trạng viêm phổi do nằm lâu, tránh loét do tì đè… Tùy theo mỗi người bệnh sẽ có những điều nên làm và không nên làm khác nhau. Nhưng nhìn chung, người bệnh nên đến các bệnh viện đa khoa, có sự phối hợp tốt nhất giữa các chuyên khoa để đảm bảo an toàn trước, trong và sau cuộc mổ” – BS Học lưu ý.

Bác sĩ Học khuyến cáo, mỗi người chỉ có thể thay tối đa 1-2 lần trong đời. Để đạt kết quả tốt nhất khi thay khớp háng, người bệnh nên tìm hiểu kỹ các phương pháp hiện có. Nên ưu tiên chọn phương pháp tiên tiến như đường mổ ít xâm lấn SuperPath hoặc thay khớp háng đường trước; hạn chế khuyết điểm của đường mổ cổ điển gây chảy máu nhiều, lâu hồi phục và dễ gặp biến chứng trật khớp háng.

Người bệnh cũng nên chọn trung tâm chấn thương chỉnh hình uy tín và với đầy đủ các chuyên khoa như tim mạch, huyết áp, tiết niệu, gây mê hồi sức, phục hồi chức năng… Bởi việc mổ đơn thuần không đạt được kết quả tốt nhất mà cần phải có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa có liên quan. Tất cả các chuyên khoa này đều tham gia trực tiếp vào ca phẫu thuật, trước – trong và sau khi phẫu thuật, đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho người bệnh, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh về nhà sớm.

Xem thêm tại : vnexpress.net