THAY KHỚP VAI LÀ GÌ?

Khớp vai là khớp lớn, vô cùng quan trọng trong cơ thể. Tình trạng thoái hóa khớp vai sẽ khiến bệnh nhân trở nên thụ động trong sinh hoạt hằng ngày. Khi đó, phẫu thuật thay khớp vai sẽ là giải pháp tối ưu để giúp người bệnh cải thiện tình trạng này.

Thay khớp vai là gì?

Thay khớp vai là quá trình thay thế khớp vai bị hư hỏng bằng khớp vai nhân tạo có gắn xi măng xương hay không gắn xi măng xương (1). Khớp vai nhân tạo gồm 2 bộ phận chính:

  • Phần chỏm khớp: Chỏm khớp được chế tạo từ hợp kim của sắt và titan, crom, coban, nhôm…
  • Phần ổ chảo: Ổ chảo được chế tạo từ nhựa tổng hợp, có trọng lượng phân tử siêu cao đơn thuần hay kết hợp sợi carbon.

phẫu thuật thay khớp vai

Vì sao cần thực hiện phẫu thuật thay khớp vai?

1. Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp nếu kéo dài sẽ dẫn tới tình trạng khớp bị hư hỏng nặng, gây trở ngại cho người bệnh trong cuộc sống. Hai nguyên nhân chính khiến khớp vai bị hư là thoái hóa khớp (hư khớp) và gãy xương phức tạp vùng đầu trên xương cánh tay. Thoái hóa khớp vai có 2 dạng là thoái hóa nguyên phát (do tuổi tác) và thoái hóa thứ phát (do bệnh lý như sau chấn thương vai, viêm khớp dạng thấp). Trong đó, trường hợp phổ biến hơn là những tổn thương thứ phát. (2)

Phần lớn tổn thương thoái hóa khớp vai sẽ xảy ra sau một chấn thương. Khi khớp vai bị thoái hóa ở mức độ nặng, không còn khả kiểm soát các cơn đau hoặc khớp vai không thể dùng được trong công việc hằng ngày, người bệnh có khả năng cần được thay khớp vai.

tình trạng khớp vai bị thoái hóa

2. Gãy xương

Trường hợp gãy xương vai phức tạp vùng đầu trên xương cánh tay (gãy cổ và chỏm xương cánh tay) được cân nhắc thay thế khớp vai. Phân độ gãy xương vùng này là từ độ I đến độ IV theo mức độ nặng tăng dần. Trong đó, về cơ bản, bác sĩ sẽ dựa vào số mảnh gãy để đưa ra tiên lượng về khả năng can thiệp. Do đó, với tổn thương độ IV, chỉ định thay khớp vai được cân nhắc.

Chẩn đoán chính xác tình trạng trước khi thay khớp vai

  • Hỏi bệnh: Bác sĩ sẽ thăm hỏi tiền sử các bệnh như bệnh mạch máu hoặc ung thư, thời gian thay khớp, xuất hiện biến chứng nào, xem xét có đau khớp vai và vị trí xung quanh khớp nhân tạo không, có cản trở gì trong sinh hoạt và lao động với khớp vai nhân tạo.
  • Khám lâm sàng: Bác sĩ nhìn vào khớp vai của người bệnh xem có cân đối với khớp vai bên đối diện không, có bị teo cơ không, thần kinh vận động và cảm giác của tay có khớp vai nhân tạo. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu vận động khớp vai chủ động để bác sĩ xem xét tầm vận động khớp có bị hạn chế không, đo tầm vận động khớp chủ động và thụ động để kiểm tra tầm độ của khớp vai theo các mặt phẳng.
  • Xét nghiệm: Ngoài những xét nghiệm cơ bản về máu và X-quang tim và phổi, bệnh nhân được yêu cầu thực hiện những xét nghiệm chuyên khoa như chụp X-quang khớp vai tư thế thẳng và nghiêng.

Đối tượng nên và không nên thực hiện phẫu thuật

  • Đối tượng nên phẫu thuật: Người bị thoái hóa khớp vai trên 60 tuổi và người bị gãy xương phức tạp vùng đầu trên xương cánh tay (độ IV)
  • Đối tượng không nên phẫu thuật: Người bị viêm xương – khớp nhiễm trùng và người có bệnh lý toàn thân nặng (bệnh tim – mạch, gan, thận…)

Phương án thay thế trước khi thay khớp vai

Phẫu thuật nội soi khớp vai thường được khuyến khích cho người có vấn đề về vai liên quan đến dây chằng, cơ và gân như:

Phẫu thuật nội soi khớp là loại phẫu thuật vai phổ biến nhất. Vì phương pháp phẫu thuật này giúp giảm thiểu chấn thương đến cơ thể bởi đường rạch nhỏ hơn phẫu thuật mở truyền thống. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách đưa những dụng cụ nội soi cao cấp qua 3 – 4 vết rạch nhỏ với kích thước chỉ như khuyết áo.

Các loại khớp vai nhân tạo

Khớp vai nhân tạo theo giải phẫu

Thay khớp vai nhân tạo theo giải phẫu được thực hiện theo một trong hai cách. Nếu sụn của chỏm xương cánh tay và ổ chảo bị mòn, cả hai phần của khớp cần được thay thế. Đây là phẫu thuật thay thế sụn mặt khớp- một thuật ngữ được dùng để chỉ sự tái tạo lại khớp cách tối thiểu.

Khi ổ chảo vẫn có một số sụn khớp, bác sĩ có khả năng chỉ thay thế chỏm xương cánh tay. Đây là phẫu thuật thay khớp bán phần hemiarthroplasty. Bác sĩ sẽ thay thế phần chỏm xương cánh tay. Vì ổ chảo khó thay thế hơn, có nguy cơ bị lỏng cao hơn. Phẫu thuật thay thế khớp vai bán phần được khuyến cáo cho trường hợp gãy xương cánh tay hoặc ngay sau khi hoại tử chỏm bắt đầu. Quy trình tiến hành mổ thay khớp vai gồm:

  • Gây mê và gây tê vai và cánh tay của bệnh nhân nhằm giảm đau kéo dài sau mổ.
  • Vào khớp vai thông qua vết rạch trên mặt trước của vai lần lượt là rạch da, tách cơ Delta, vén cơ, thần kinh mạch máu sang một bên.
  • Tiến hành phẫu thuật xâm nhập vào khớp vai bằng cách cắt vào bao khớp. Điều này giúp phép bác sĩ nhìn rõ được khớp.
  • Sử dụng cưa xương để lấy phần chỏm xương cánh tay ra, sau đó tiến hành vào giữa lòng tủy xương cánh tay nhằm chọn kích thước dụng cụ nhân tạo đặt vào trong xương cánh tay, tiến hành mài bỏ phần sụn hư của ổ chảo xương cánh tay rồi khoan lỗ thích hợp nhằm đặt phần ổ chảo nhân tạo.

thay thế khớp vai nhân tạo

Phần xương cánh tay và ổ chảo được đặt vào và chỏm khớp được nối vào.

Bác sĩ kiểm tra độ vừa vặn. Khi hài lòng với độ vừa khít, độ vững, bác sĩ sẽ khâu bao khớp lại với nhau. Sau đó, các cơ được trả về vị trí chính xác, da cũng được khâu lại.

Thay thế vai đảo ngược

Khớp vai toàn phần đảo ngược đã được thiết kế từ cuối những năm 70. Bác sĩ sẽ dùng một loại khớp vai ngược với giải phẫu bình thường để tái tạo lại khớp vai bị tổn thương gây mất hoặc giảm chức năng trầm trọng. Thiết kế này có khả năng thay đổi cơ chế chuyển động của khớp vai và khắc phục nhược điểm sau những lần thay khớp vai thất bại trước đó. (3)

Phương pháp thay khớp vai đảo ngược được áp dụng cho các trường hợp gồm:

  • Người bị rách chóp xoay nặng không thể khâu phục hồi hay kèm theo tình trạng thoái hóa nặng gân chóp xoay với chất lượng gân kém làm cho việc khâu phục hồi chóp xoay không mang lại hiệu quả.
  • Người mắc chứng giả liệt khớp vai xảy ra thứ phát sau rách chóp xoay không có khả năng khâu phục hồi.
  • Người cao tuổi bị gãy chỏm xương cánh tay nhiều mảnh.
  • Bệnh nhân bị gãy phức tạp chỏm xương cánh tay kèm theo tình trạng loãng xương hay chất lượng xương kém.
  • Các trường hợp thất bại sau khi thay khớp vai giải phẫu.
  • Người bị viêm khớp dạng thấp tại khớp vai. Khi bị viêm khớp dạng thấp, phần mềm xung quanh thường bị suy yếu, dẫn đến tình trạng chấn thương nặng ở chóp xoay. Trường hợp này chỉ được thực hiện khi chất lượng xương tại ổ chảo còn tốt.
  • Người bệnh mang những khối u liên quan tới đầu gần xương cánh tay cũng được cân nhắc thay vai đảo ngược.

thay khớp vai nghịch đảo

Những rủi ro và biến chứng của khớp vai được thay thế là gì?

Một số biến chứng phổ biến sau thay thế khớp vai gồm:(4)

Nhiễm trùng

Tình trạng nhiễm trùng sau phẫu thuật có thể rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm trùng sau thay khớp nhân tạo rất thấp, chỉ 1%. Đôi khi, tình trạng nhiễm trùng xuất hiện rất sớm, trước khi người bệnh xuất viện.

Nhiễm trùng có khả năng lan vào khớp nhân tạo từ những khu vực bị nhiễm khác. Khi một nhiễm trùng khu trú trong khớp, hệ thống miễn dịch gần như không thể loại bỏ nó. Bạn có thể cần phải dùng thuốc kháng sinh khi cần điều trị nha khoa hoặc phẫu thuật trên bàng quang và ruột già. Các loại thuốc kháng sinh này làm giảm nguy cơ lây lan vi trùng sang khớp nhân tạo.

Lỏng khớp

Các khớp nhân tạo bị thất bại là do vị trí kim loại hay xi măng kết nối xương bị lỏng. Khớp nhân tạo bị lỏng sẽ gây đau đớn cho bệnh nhân. Khi cơn đau trở nên trầm trọng, vượt sức chịu đựng của người bệnh, một ca phẫu thuật khác có thể được cân nhắc thực hiện để sửa chữa khớp nhân tạo.

Với công nghệ tiên tiến hiện nay, các bác sĩ đã có khả năng kéo dài thời gian sử dụng của khớp nhân tạo. Tuy nhiên, đa phần khớp nhân tạo khi dùng một thời gian sẽ bị lỏng, cần đến một cuộc phẫu thuật khác. Với khớp vai nhân tạo, bệnh nhân có sử dụng được khoảng 12 – 15 năm.

Trật khớp

Tương tự khớp vai thật, khớp vai nhân tạo cũng có khả năng bị di lệch. Khớp nhân tạo luôn có nguy cơ trật khớp cao hơn. Do đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn làm thế nào để tránh những hoạt động và vị trí có khả năng gây ra trật khớp vai. Khớp vai nhân tạo khi bị trật nhiều hơn một lần có thể cần một ca phẫu thuật khác để giúp nó ổn định hơn.