Thoái hóa khớp gối là cơn ác mộng của mỗi chúng ta
Thoái hóa khớp là tình trạng thường gặp nhất trong các bệnh lý về khớp. Bệnh xuất hiện do sự mất cân bằng giữa 2 quá trình tổng hợp và hủy mô sụn, xương dưới sụn. Đặc trưng của thoái hóa khớp là sự mòn sụn khớp, hình thành chồi xương và xơ xương dưới sụn gây đau, biến dạng, mất chức năng khớp gối. Nguyên nhân gây nên thoái hóa khớp có thể do nguyên phát (lão hóa) hoặc thứ phát (chấn thương, bệnh lý, bất thường về trục cột sống…). Trong đó, các yếu tố nguy cơ cao đến từ hoạt động sai tư thế, dư cân, người có bệnh lý bẩm sinh, người bị chấn thương do tai nạn giao thông hay tai nạn lao động, thể thao nhưng không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Theo BS Lê Đăng Phong, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình BVĐK Tâm Anh TP.HCM: “Cơ thể người có hai loại khớp chính gồm khớp thể trục (cột sống) và khớp ngoại biên (bàn tay, ngón tay, khớp gối, khớp háng, bàn chân, cổ chân… ). Trong đó, khớp gối thuộc nhóm khớp lớn, ngoại biên, khớp động nên thường bị ảnh hưởng và có nguy cơ thoái hóa cao hơn các khớp khác”.
Theo kết quả thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỉ lệ thoái hóa khớp gối chiếm khoảng 20% dân số. Tại Mỹ, có 80% người ở độ tuổi trên 55 mắc bệnh. Tại Việt Nam, hiện tại chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng tỉ lệ này cũng ở mức khá cao với khoảng 1/3 người Việt trên 40 tuổi. Điều đáng lo ngại là thoái hóa khớp gối thường diễn tiến âm thầm và đang có xu hướng trẻ hóa.
Tình trạng này thường chỉ được phát hiện khi khớp của người bệnh có cảm giác đau nhức ở mặt trước hoặc trong khớp gối, đau tăng lên khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Bệnh nhân cũng dễ bị cứng khớp vào buổi sáng hay khi trời lạnh, gập duỗi khó khăn và nghe được tiếng lục cục phát ra khi cử động. Ở giai đoạn nặng, khớp gối sẽ bị sưng, có thể có dịch viêm bên trong, có nhiều gai xương, thậm chí các mảnh sụn rời ra làm kẹt khớp. Nghiêm trọng hơn, trục khớp thay đổi do thoái hóa nhiều gây biến dạng, khiến cho chân bị lệch trục, dần mất chức năng vận động và đẩy người bệnh đến nguy cơ tàn phế.
Bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối ở giai đoạn sớm, chưa ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và không giới hạn tầm vận động sẽ được điều trị bảo tồn bằng thuốc, vật lý trị liệu để giảm đau trong các đợt viêm cấp nhằm phục hồi chức năng vận động của khớp, hạn chế và ngăn ngừa biến dạng khớp… với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, với những người bị thoái hóa khớp nặng, đau đớn nhiều, gối vẹo trục, ảnh hưởng tới sinh hoạt thì cũng chỉ có thể dùng thuốc giảm đau và phải chấp nhận ngồi xe lăn suốt quãng đời còn lại.
Với những tiến bộ của y học hiện đại trong điều trị các bệnh lý về cơ xương khớp, thay khớp gối nhân tạo đã không còn là điều gì ngoài tầm với nữa.
Thành tựu của y học giải phóng con người khỏi nguy cơ tàn phế
Thay khớp gối nhân tạo là một trong những tiến bộ phẫu thuật chỉnh hình quan trọng nhất của thế kỷ XX. Lần thay đầu gối đầu tiên được thực hiện vào năm 1860 bởi một bác sĩ người Đức và cấy ghép các khớp bản lề bằng chất liệu ngà voi. Kể từ đó, cả vật liệu và kỹ thuật phẫu thuật đều không ngừng được cải tiến, góp phần làm tăng hiệu quả điều trị, cho phép tăng phạm vi chuyển động, giảm tỷ lệ mài mòn để trả lại khả năng sinh hoạt một cách toàn diện và hạn chế nguy cơ tái phát cho bệnh nhân.
Xét về mặt cơ học, khớp gối nhân tạo toàn phần có thể được chia ra làm 3 loại dựa vào sự liên kết xương đùi và xương chày gồm: Khớp gối không liên kết (Non-constrained), Khớp gối liên kết bán phần (Semi-constrained) và Khớp gối liên kết dạng bản lề (Constrained or hinged). Theo đó, mỗi loại cũng có những đặc điểm riêng và phù hợp với từng bệnh nhân khác nhau.
Loại khớp gối không liên kết (Non-constrained) rất thường được sử dụng khi thay khớp gối nhân tạo. Thiết kế này giúp tận dụng vai trò giữ vững – liên kết của xương đùi với xương chày bởi hệ thống dây chằng chéo sau, hệ thống dây chằng bên cũng như phần mềm quanh khớp gối.
Khớp gối liên kết bán phần (Semi-constrained) được thiết kế dành cho trường hợp dây chằng chéo sau đã mất chức năng hoặc nhằm giải phóng cho dây chằng chéo sau, hoặc các trường hợp dây chằng bên bị lỏng lẻo 1 phần, khó cân bằng với loại khớp thông thường. Những bệnh nhân được chỉ định thay khớp gối liên kết bán phần thường gặp biến dạng nặng một trong 3 phần chính của khớp, hư hỏng một phần sụn khớp và mất chức năng khớp gối.
Cuối cùng là khớp gối liên kết dạng bản lề (Constrained or hinged). Như tên gọi, loại khớp này có sự liên kết theo cấu trúc cơ học bản lề giữa xương chày và xương đùi, được chỉ định cho bệnh nhân bị khớp gối mất vững, lỏng lẻo hay trường hợp phải thay lại.
“Thay khớp gối nhân tạo là giải pháp can thiệp cao hơn dành cho bệnh nhân bị thoái hóa nặng, điều trị nội khoa và vật lý trị liệu không đáp ứng, bệnh nhân cao tuổi. Đến thời điểm hiện tại, phương pháp này đã chứng minh được hiệu quả vượt trội với tỷ lệ biến chứng thấp. Hơn 90% bệnh nhân đã cải thiện đáng kể sự đau đớn và khả năng vận động hàng ngày. Nếu hoạt động hợp lý, thời hạn sử dụng của khớp gối có thể lên đến 20 năm.
Đặc biệt, một số trường hợp thay khớp gối theo hình thức cá thể hóa, nghĩa là khớp gối được “đo ni đóng giày” theo thông số riêng của từng người bệnh còn đem lại kết quả rất khả quan. Ngay sau mổ, bệnh nhân có thể xuống giường đi lại cùng với khung. Sau 2-3 ngày, người bệnh đã bỏ được khung và tự đi lại nhẹ nhàng”, Ths.BS Đặng Khoa Học, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình BVĐK Tâm Anh, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo theo hình thức cá thể hóa đầu tiên tại Việt Nam chia sẻ.
Cùng với những tiến bộ của y học hiện đại, thay khớp gối nhân tạo đã trở thành một phẫu thuật thường quy, nhằm thay thế cho những khớp gối bị hư hại do ảnh hưởng của tuổi tác, chấn thương, bệnh lý… mang đến cho người bệnh cơ hội khôi phục chức năng vận động, giải phóng khỏi các cơn đau và tận hưởng cuộc sống một cách chất lượng hơn.