Có bị lệch chân sau thay khớp hay không?

Kỹ thuật thay khớp háng, khớp gối hiện đại và những thiết bị thế hệ mới có thể giúp tránh biến chứng so le hai chân sau khi phẫu thuật.

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa I Đặng Khoa Học, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, lệch chân (so le) sau khi thay khớp là một trong những vấn đề thường gặp, xuất hiện chủ yếu ở chân được phẫu thuật. Tình trạng này xảy ra ở bệnh nhân thay khớp háng nhiều hơn thay khớp gối. Hầu hết các trường hợp lệch chân sau phẫu thuật không rõ rệt, người bệnh khó nhận biết hoặc ít ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nên không cần phải can thiệp.

Theo nghiên cứu từ các chuyên gia của Bệnh viện Đại học North Durham, Anh, tỷ lệ chân bị lệch do dài ra sau thay khớp háng được báo cáo là 1-27%, trung bình từ 3-17 mm. Chân bị lệch do ngắn lại sau phẫu thuật hiếm gặp hơn.

 Bác sĩ Đặng Khoa Học trong một ca phẫu thuật thay khớp háng. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bác sĩ Đặng Khoa Học trong một ca phẫu thuật thay khớp háng. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Giải thích về tình trạng này, bác sĩ Khoa Học cho biết, phẫu thuật thay khớp háng áp dụng phương pháp mổ mở. Những cấu trúc hư hại như chỏm xương đùi, sụn khớp được loại bỏ. Một chiếc ổ cối kèm với chỏm xương đùi bằng chất liệu kim loại được đặt vào khớp. Để dự phòng nguy cơ trật khớp, bác sĩ có thể điều chỉnh kích thước chỏm và ổ cối bằng cách đặt các mô cấy lớn hơn, dài hơn vào xương. Đó là nguyên nhân khiến cho chân ở phía có khớp được phẫu thuật dễ bị dài hơn so với chân lành.

Nếu tình trạng lệch chân không đáng kể, không ảnh hưởng đến việc di chuyển, người bệnh không cần phải can thiệp gì thêm. Một số trường hợp lệch chân rõ rệt, người bệnh có thể đặt giày dép theo kích thước phù hợp để thuận tiện hơn khi di chuyển. Tuy nhiên, một số chân có thể có biểu hiện bị lệch quá nhiều, hơn 2 cm. Người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức cơ, các dây thần kinh bị kéo căng gây tê mỏi, khó di chuyển, giảm chất lượng cuộc sống… Thậm chí, một số người bệnh cần phải phẫu thuật lại để cân đối chiều dài của hai chân.

Bác sĩ Khoa Học chia sẻ rằng, sự chênh lệch về chiều dài chân người bệnh sau thay khớp có thể được dự đoán hoặc xuất hiện bất ngờ. Trước đây, khi người bệnh bị lệch chân sau phẫu thuật, bác sĩ mới tiến hành can thiệp. Hiện nay, nguy cơ này hoàn toàn có thể được ngăn ngừa bằng kinh nghiệm của bác sĩ và hệ thống trang thiết bị hiện đại. Tại khoa Tái tạo khớp – Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, số liệu xương khớp và hình ảnh X- Quang, phần mềm đo lường trước mổ được sử dụng để lên kế hoạch phẫu thuật. Phần mềm này sẽ tính toán chính xác vị trí đặt khớp, kích thước và size của khớp nhân tạo, vị trí và độ nghiêng lát cắt xương… Toàn bộ thao tác tiến hành theo trình tự định sẵn, các lát cắt được căn chỉnh trước trên phần mềm giúp bác sĩ xác định chính xác điểm đặt khớp, thao tác nhanh chóng, hạn chế tổn thương các mô lân cận, giảm chảy máu, giúp người bệnh nhanh hồi phục.

Không lệch chân là kết quả sau thay khớp háng tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình . Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Không lệch chân là kết quả sau thay khớp háng tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình . Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Trước khi xử lý chân bị lệch sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh để đánh giá lại mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Bác sĩ sẽ xem xét và điều chỉnh kích thước của các thành phần khớp nhân tạo. Tuy nhiên, trường hợp phẫu thuật lại chỉ được thực hiện trên những bệnh nhân bị lệch chân nhiều, vì có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của lần phẫu thuật thay khớp trước đó. Một số trường hợp người bệnh có bệnh lý đặc thù sẽ không thể chỉnh được hai chân bằng nhau.

Bất kỳ phẫu thuật nào cũng tiềm ẩn rủi ro. Phẫu thuật thay khớp cũng không ngoại lệ. Do đó, ngăn ngừa nguy cơ bị lệch chân sau phẫu thuật thay khớp, bác sĩ Khoa Học khuyến cáo người bệnh nên chọn các cơ sở y tế chuyên khoa, được trang bị trang thiết bị hiện đại. Trước khi phẫu thuật, người bệnh nên trao đổi chi tiết với bác sĩ về những nguy cơ có thể xảy ra và phương án dự phòng để giảm thiểu rủi ro sau phẫu thuật.

Xem thêm tại : vnexpress.net

Bí quyết kéo dài tuổi thọ của khớp háng

Sau khi thay khớp háng nhân tạo người bệnh nên tránh những động tác “chống chỉ định” để đảm bảo khớp háng có tuổi thọ dài nhất có thể.

Phẫu thuật thay khớp háng là quy trình cắt bỏ khớp háng bị hư hại do tổn thương bệnh lý và thay thế bằng khớp nhân tạo.

Nguy cơ trật khớp háng sau khi thay khớp nhân tạo

Tại Việt Nam, kỹ thuật này đã có hơn 40 năm được ứng dụng và phát triển. Đến nay đã có hàng nghìn trường hợp được thay khớp háng thành công mỗi năm.

Cấu tạo của khớp háng nhân tạo gồm 3 phần chính, gồm: Ổ cối nhân tạo (shell hay cup) nhằm thay thế phần ổ cối bị thoái hóa của bệnh nhân và phần chuôi khớp háng (hay stem) được đặt vào lòng tủy đầu gần của xương đùi.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I Đặng Khoa Học, bác sĩ ngoại Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, phần ổ cối và thân chuôi khớp nhân tạo sẽ liên kết với nhau qua cổ xương đùi và chỏm nhân tạo (neck, head). Các cấu trúc này được thiết kế theo đúng kích thước ban đầu của bệnh nhân hoặc giống bên chân lành nhằm giúp bệnh nhân cân bằng lực và đi lại thăng bằng sau mổ.

Bác sĩ Đặng Khoa Học thực hiện thay khớp háng bằng đường mổ cải tiến SuperPath. Ảnh: BVĐK Tâm Anh cung cấp.

Bác sĩ Đặng Khoa Học thực hiện thay khớp háng bằng đường mổ cải tiến SuperPath. Ảnh: BVĐK Tâm Anh cung cấp.

Sau khi thay khớp háng nhân tạo, người bệnh vẫn có nguy cơ trật khớp háng. Đối tượng nguy cơ cao thường rơi vào các trường hợp thay khớp háng bằng đường mổ cổ điển. Đường mổ của phương pháp cổ điển thường dài, từ 10-12 cm. Quá trình mổ, để bộc lộ khớp háng, phẫu thuật viên phải cắt toàn bộ nhóm cơ xoay ngoài cũng như bao khớp sau. Vì vậy, sau khi thay khớp háng nhân tạo “tường thành phía sau” khớp háng gần như không còn đủ độ vững chắc để giữ khớp, người bệnh sẽ bị giới hạn ở một số động tác nhất định.

Để khắc phục tình trạng trật khớp sau khi thay khớp háng nhân tạo, hiện nay chuyên gia sẽ áp dụng phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn bằng đường mổ cải tiến SuperPath – giúp bảo tồn nhóm cơ xoay ngoài cũng như bao khớp sau hoặc thay khớp háng đường trước. Đường mổ SuperPath rất nhỏ, khoảng 5 cm, không xâm lấn vào hệ thống cơ của người bệnh nên mất ít máu, giảm đau và bệnh nhân cũng phục hồi nhanh hơn. Tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, nhiều bệnh nhân thay một lúc 2 khớp háng. Các bệnh nhân sau 1 đến 2 ngày, có thể đứng dậy và tập đi với khung và bắt đầu các bài tập Vật lý trị liệu phục hồi.

Tránh ngồi xổm, bắt chéo chân

Theo bác sĩ Học, người bệnh thay khớp háng nhân tạo cần tránh thực hiện các động tác “chống chỉ định” sẽ rất dễ bị trật khớp háng. Cụ thể như bắt chéo chân, ngồi xổm, nằm nghiêng người không có gối đỡ… Ngoài ra, những người bị động kinh, người bị té ngã sau khi thay khớp háng nhân tạo sẽ có nguy cơ té ngã rất cao.

Thay khớp háng nhân tạo được chỉ định cho người bệnh đã bị hư hỏng toàn bộ phần khớp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng vận động. Ảnh: Shutterstock

Thay khớp háng nhân tạo được chỉ định cho người bệnh đã bị hư hỏng toàn bộ phần khớp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng vận động. Ảnh: Shutterstock

Thêm nữa, với người có bệnh nền, đặc biệt là người bị gãy cổ xương đùi, khi phải thay khớp háng thường có các bệnh lý mạn tính như tim mạch, hô hấp, huyết áp, loãng xương… Để người bệnh phục hồi tốt nhất, ngoài bác sĩ chấn thương chỉnh hình mổ thay khớp còn cần phải có sự phối hợp đa chuyên khoa. Bác sĩ tim mạch hỗ trợ nâng đỡ về tim, phòng chống huyết khối. Bác sĩ hô hấp hỗ trợ tránh tình trạng nằm lâu gây thuyên tắc phổi. Bác sĩ tiết niệu tránh cho người bệnh bị nhiễm trùng đường tiết niệu sau mổ.

“Đặc biệt quan trọng là vai trò của các bác sĩ phục hồi chức năng. Các bác sĩ chuyên ngành này sẽ giúp bệnh nhân ngồi lên, đi lại sớm, giúp bệnh nhân thở, phòng tránh thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sau mổ, tránh tình trạng viêm phổi do nằm lâu, tránh loét do tì đè… Tùy theo mỗi người bệnh sẽ có những điều nên làm và không nên làm khác nhau. Nhưng nhìn chung, người bệnh nên đến các bệnh viện đa khoa, có sự phối hợp tốt nhất giữa các chuyên khoa để đảm bảo an toàn trước, trong và sau cuộc mổ” – BS Học lưu ý.

Bác sĩ Học khuyến cáo, mỗi người chỉ có thể thay tối đa 1-2 lần trong đời. Để đạt kết quả tốt nhất khi thay khớp háng, người bệnh nên tìm hiểu kỹ các phương pháp hiện có. Nên ưu tiên chọn phương pháp tiên tiến như đường mổ ít xâm lấn SuperPath hoặc thay khớp háng đường trước; hạn chế khuyết điểm của đường mổ cổ điển gây chảy máu nhiều, lâu hồi phục và dễ gặp biến chứng trật khớp háng.

Người bệnh cũng nên chọn trung tâm chấn thương chỉnh hình uy tín và với đầy đủ các chuyên khoa như tim mạch, huyết áp, tiết niệu, gây mê hồi sức, phục hồi chức năng… Bởi việc mổ đơn thuần không đạt được kết quả tốt nhất mà cần phải có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa có liên quan. Tất cả các chuyên khoa này đều tham gia trực tiếp vào ca phẫu thuật, trước – trong và sau khi phẫu thuật, đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho người bệnh, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh về nhà sớm.

Xem thêm tại : vnexpress.net

Thay khớp vai đảo ngược

Thay khớp vai đảo ngược là biện pháp can thiệp kỹ thuật cao, với khớp nhân tạo cải tiến giúp người bệnh khôi phục gần như hoàn toàn biên độ vận động tự nhiên.

Thạc sĩ, bác sĩ CKI Đặng Khoa Học, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, khớp vai thuộc nhóm khớp lớn, giữ vai trò quan trọng trong toàn bộ hoạt động của chi trên. Đây là khớp có biên độ vận động lớn nhất, linh hoạt nhất của cơ thể. Khớp này được cấu tạo từ xương đòn, xương bả vai và xương cánh tay. Các xương kết nối với nhau tạo thành khớp cùng đòn và khớp ổ chảo cánh tay, được bao bọc bên trong các bao khớp chứa dịch khớp và dây chằng. Bọc bên ngoài khung xương này là cơ delta và bốn gân cơ chóp xoay.

Thay khớp vai đảo ngược là kỹ thuật dùng khớp vai nhân tạo, có cấu trúc ngược với khớp vai tự nhiên, để thay thế cho phần khớp vai thật đã bị tổn thương. Theo đó, vai trò của hai bộ phận quan trọng trong cấu trúc khớp vai tự nhiên là ổ chảo và chỏm xương cánh tay sẽ được đảo ngược. Phần chỏm xương cánh tay được thiết kế theo cấu trúc hình đĩa và ổ chảo sẽ được thiết kế theo dạng hình cầu. Hai cấu trúc này bám khít vào nhau, giúp khớp trở nên chắc chắn hơn.

Theo bác sĩ Đặng Khoa Học, thay khớp vai đảo ngược được chỉ định trong những trường hợp như: người đã từng thay khớp vai truyền thống nhưng không đạt được hiệu quả như mong đợi, khớp lỏng lẻo, tổn thương lớn chóp xoay; tổn thương khớp nặng, thoái hóa khớp vai, gãy phức tạp đầu trên xương cánh tay, rách lớn chóp xoay không thể phục hồi; viêm khớp dạng thấp tại khớp vai; các phương pháp điều trị khác không hiệu quả…

Hình ảnh khớp vai đảo ngược của người bệnh trên phim chụp. Ảnh: Shutterstock

Hình ảnh khớp vai đảo ngược của người bệnh trên phim chụp. Ảnh: Shutterstock

Thay khớp vai đảo ngược là một bước tiến lớn trong y học chấn thương chỉnh hình, thay đổi cơ chế chuyển động của khớp vai, mang đến nhiều ưu điểm vượt trội so với thay khớp vai truyền thống như:

Không đau, dễ cử động: nếu tiến hành thay khớp vai bằng phương pháp truyền thống có thể để lại di chứng đau và khó cử động. Trong khi đó, nếu thay khớp vai đảo ngược, sau phẫu thuật, cơ delta sẽ được sử dụng thay cho nhóm gân cơ chóp xoay, người bệnh dễ dàng nâng và xoay cánh tay hơn, tránh được nguy cơ trật khớp vai…

Tỷ lệ thành công cao lên đến 91%, thời hạn sử dụng khớp lâu, tối thiểu là 10 năm. Sau phẫu thuật thay khớp vai đảo ngược một tuần, bác sĩ ghi nhận biên độ vận động của người bệnh phục hồi gần như hoàn toàn.

Ngoài ra, khớp vai đảo ngược còn khắc phục một số nhược điểm của khớp vai truyền thống như giảm nguy cơ chỏm xương cánh tay bị trượt khỏi ổ chảo, tăng biên độ vận động cho khớp, hạn chế rách chóp xoay…

Bác sĩ Đặng Khoa Học đánh giá kết quả thay khớp vai. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bác sĩ Đặng Khoa Học đánh giá kết quả thay khớp vai. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bác sĩ Đặng Khoa Học cho biết thay khớp vai đảo ngược là một kỹ thuật khó, không chỉ đòi hỏi bác sĩ có chuyên môn cao mà còn cần hệ thống trang thiết bị hiện đại và các thiết kế khớp vai đạt yêu cầu. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là một trong số ít cơ sở y tế có khả năng thay khớp vai đảo ngược. Một ca phẫu thuật trung bình kéo dài 1 – 1,5 giờ. Người bệnh sẽ được thiết kế một cấu trúc chỏm xương cánh tay mới, có dạng hình đĩa lõm, trơn láng để tạo điều kiện cho khớp vai di chuyển thuận lợi. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ tiếp cận khớp vai thông qua một đường rạch khoảng 6 – 8 cm. Từ đó, kiểm tra khu vực chỏm xương cánh tay, loại bỏ chỏm xương đã bị hỏng và gai xương nếu có. Sau đó, tạo hình cho ổ chảo xương bả vai theo thiết kế hình cầu, có kích thước phù hợp với phần đầu xương cánh tay mới và khớp hai bộ phận này lại với nhau, kiểm tra khả năng di chuyển và tình trạng trật khớp bằng cách xoay cánh tay theo nhiều hướng khác nhau.

Bước cuối cùng trong quá trình phẫu thuật là sửa chữa lại các cơ và mô mềm đã bị tổn thương, can thiệp, khâu lại vết rạch trên da. Người bệnh có thể cử động lại sau mổ một ngày. Sau 6 – 8 tuần, người bệnh gần như khôi phục hoàn toàn.

Đọc thêm tại : vnexpress.net