THAY KHỚP VAI LÀ GÌ?

Khớp vai là khớp lớn, vô cùng quan trọng trong cơ thể. Tình trạng thoái hóa khớp vai sẽ khiến bệnh nhân trở nên thụ động trong sinh hoạt hằng ngày. Khi đó, phẫu thuật thay khớp vai sẽ là giải pháp tối ưu để giúp người bệnh cải thiện tình trạng này.

Thay khớp vai là gì?

Thay khớp vai là quá trình thay thế khớp vai bị hư hỏng bằng khớp vai nhân tạo có gắn xi măng xương hay không gắn xi măng xương (1). Khớp vai nhân tạo gồm 2 bộ phận chính:

  • Phần chỏm khớp: Chỏm khớp được chế tạo từ hợp kim của sắt và titan, crom, coban, nhôm…
  • Phần ổ chảo: Ổ chảo được chế tạo từ nhựa tổng hợp, có trọng lượng phân tử siêu cao đơn thuần hay kết hợp sợi carbon.

phẫu thuật thay khớp vai

Vì sao cần thực hiện phẫu thuật thay khớp vai?

1. Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp nếu kéo dài sẽ dẫn tới tình trạng khớp bị hư hỏng nặng, gây trở ngại cho người bệnh trong cuộc sống. Hai nguyên nhân chính khiến khớp vai bị hư là thoái hóa khớp (hư khớp) và gãy xương phức tạp vùng đầu trên xương cánh tay. Thoái hóa khớp vai có 2 dạng là thoái hóa nguyên phát (do tuổi tác) và thoái hóa thứ phát (do bệnh lý như sau chấn thương vai, viêm khớp dạng thấp). Trong đó, trường hợp phổ biến hơn là những tổn thương thứ phát. (2)

Phần lớn tổn thương thoái hóa khớp vai sẽ xảy ra sau một chấn thương. Khi khớp vai bị thoái hóa ở mức độ nặng, không còn khả kiểm soát các cơn đau hoặc khớp vai không thể dùng được trong công việc hằng ngày, người bệnh có khả năng cần được thay khớp vai.

tình trạng khớp vai bị thoái hóa

2. Gãy xương

Trường hợp gãy xương vai phức tạp vùng đầu trên xương cánh tay (gãy cổ và chỏm xương cánh tay) được cân nhắc thay thế khớp vai. Phân độ gãy xương vùng này là từ độ I đến độ IV theo mức độ nặng tăng dần. Trong đó, về cơ bản, bác sĩ sẽ dựa vào số mảnh gãy để đưa ra tiên lượng về khả năng can thiệp. Do đó, với tổn thương độ IV, chỉ định thay khớp vai được cân nhắc.

Chẩn đoán chính xác tình trạng trước khi thay khớp vai

  • Hỏi bệnh: Bác sĩ sẽ thăm hỏi tiền sử các bệnh như bệnh mạch máu hoặc ung thư, thời gian thay khớp, xuất hiện biến chứng nào, xem xét có đau khớp vai và vị trí xung quanh khớp nhân tạo không, có cản trở gì trong sinh hoạt và lao động với khớp vai nhân tạo.
  • Khám lâm sàng: Bác sĩ nhìn vào khớp vai của người bệnh xem có cân đối với khớp vai bên đối diện không, có bị teo cơ không, thần kinh vận động và cảm giác của tay có khớp vai nhân tạo. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu vận động khớp vai chủ động để bác sĩ xem xét tầm vận động khớp có bị hạn chế không, đo tầm vận động khớp chủ động và thụ động để kiểm tra tầm độ của khớp vai theo các mặt phẳng.
  • Xét nghiệm: Ngoài những xét nghiệm cơ bản về máu và X-quang tim và phổi, bệnh nhân được yêu cầu thực hiện những xét nghiệm chuyên khoa như chụp X-quang khớp vai tư thế thẳng và nghiêng.

Đối tượng nên và không nên thực hiện phẫu thuật

  • Đối tượng nên phẫu thuật: Người bị thoái hóa khớp vai trên 60 tuổi và người bị gãy xương phức tạp vùng đầu trên xương cánh tay (độ IV)
  • Đối tượng không nên phẫu thuật: Người bị viêm xương – khớp nhiễm trùng và người có bệnh lý toàn thân nặng (bệnh tim – mạch, gan, thận…)

Phương án thay thế trước khi thay khớp vai

Phẫu thuật nội soi khớp vai thường được khuyến khích cho người có vấn đề về vai liên quan đến dây chằng, cơ và gân như:

Phẫu thuật nội soi khớp là loại phẫu thuật vai phổ biến nhất. Vì phương pháp phẫu thuật này giúp giảm thiểu chấn thương đến cơ thể bởi đường rạch nhỏ hơn phẫu thuật mở truyền thống. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách đưa những dụng cụ nội soi cao cấp qua 3 – 4 vết rạch nhỏ với kích thước chỉ như khuyết áo.

Các loại khớp vai nhân tạo

Khớp vai nhân tạo theo giải phẫu

Thay khớp vai nhân tạo theo giải phẫu được thực hiện theo một trong hai cách. Nếu sụn của chỏm xương cánh tay và ổ chảo bị mòn, cả hai phần của khớp cần được thay thế. Đây là phẫu thuật thay thế sụn mặt khớp- một thuật ngữ được dùng để chỉ sự tái tạo lại khớp cách tối thiểu.

Khi ổ chảo vẫn có một số sụn khớp, bác sĩ có khả năng chỉ thay thế chỏm xương cánh tay. Đây là phẫu thuật thay khớp bán phần hemiarthroplasty. Bác sĩ sẽ thay thế phần chỏm xương cánh tay. Vì ổ chảo khó thay thế hơn, có nguy cơ bị lỏng cao hơn. Phẫu thuật thay thế khớp vai bán phần được khuyến cáo cho trường hợp gãy xương cánh tay hoặc ngay sau khi hoại tử chỏm bắt đầu. Quy trình tiến hành mổ thay khớp vai gồm:

  • Gây mê và gây tê vai và cánh tay của bệnh nhân nhằm giảm đau kéo dài sau mổ.
  • Vào khớp vai thông qua vết rạch trên mặt trước của vai lần lượt là rạch da, tách cơ Delta, vén cơ, thần kinh mạch máu sang một bên.
  • Tiến hành phẫu thuật xâm nhập vào khớp vai bằng cách cắt vào bao khớp. Điều này giúp phép bác sĩ nhìn rõ được khớp.
  • Sử dụng cưa xương để lấy phần chỏm xương cánh tay ra, sau đó tiến hành vào giữa lòng tủy xương cánh tay nhằm chọn kích thước dụng cụ nhân tạo đặt vào trong xương cánh tay, tiến hành mài bỏ phần sụn hư của ổ chảo xương cánh tay rồi khoan lỗ thích hợp nhằm đặt phần ổ chảo nhân tạo.

thay thế khớp vai nhân tạo

Phần xương cánh tay và ổ chảo được đặt vào và chỏm khớp được nối vào.

Bác sĩ kiểm tra độ vừa vặn. Khi hài lòng với độ vừa khít, độ vững, bác sĩ sẽ khâu bao khớp lại với nhau. Sau đó, các cơ được trả về vị trí chính xác, da cũng được khâu lại.

Thay thế vai đảo ngược

Khớp vai toàn phần đảo ngược đã được thiết kế từ cuối những năm 70. Bác sĩ sẽ dùng một loại khớp vai ngược với giải phẫu bình thường để tái tạo lại khớp vai bị tổn thương gây mất hoặc giảm chức năng trầm trọng. Thiết kế này có khả năng thay đổi cơ chế chuyển động của khớp vai và khắc phục nhược điểm sau những lần thay khớp vai thất bại trước đó. (3)

Phương pháp thay khớp vai đảo ngược được áp dụng cho các trường hợp gồm:

  • Người bị rách chóp xoay nặng không thể khâu phục hồi hay kèm theo tình trạng thoái hóa nặng gân chóp xoay với chất lượng gân kém làm cho việc khâu phục hồi chóp xoay không mang lại hiệu quả.
  • Người mắc chứng giả liệt khớp vai xảy ra thứ phát sau rách chóp xoay không có khả năng khâu phục hồi.
  • Người cao tuổi bị gãy chỏm xương cánh tay nhiều mảnh.
  • Bệnh nhân bị gãy phức tạp chỏm xương cánh tay kèm theo tình trạng loãng xương hay chất lượng xương kém.
  • Các trường hợp thất bại sau khi thay khớp vai giải phẫu.
  • Người bị viêm khớp dạng thấp tại khớp vai. Khi bị viêm khớp dạng thấp, phần mềm xung quanh thường bị suy yếu, dẫn đến tình trạng chấn thương nặng ở chóp xoay. Trường hợp này chỉ được thực hiện khi chất lượng xương tại ổ chảo còn tốt.
  • Người bệnh mang những khối u liên quan tới đầu gần xương cánh tay cũng được cân nhắc thay vai đảo ngược.

thay khớp vai nghịch đảo

Những rủi ro và biến chứng của khớp vai được thay thế là gì?

Một số biến chứng phổ biến sau thay thế khớp vai gồm:(4)

Nhiễm trùng

Tình trạng nhiễm trùng sau phẫu thuật có thể rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm trùng sau thay khớp nhân tạo rất thấp, chỉ 1%. Đôi khi, tình trạng nhiễm trùng xuất hiện rất sớm, trước khi người bệnh xuất viện.

Nhiễm trùng có khả năng lan vào khớp nhân tạo từ những khu vực bị nhiễm khác. Khi một nhiễm trùng khu trú trong khớp, hệ thống miễn dịch gần như không thể loại bỏ nó. Bạn có thể cần phải dùng thuốc kháng sinh khi cần điều trị nha khoa hoặc phẫu thuật trên bàng quang và ruột già. Các loại thuốc kháng sinh này làm giảm nguy cơ lây lan vi trùng sang khớp nhân tạo.

Lỏng khớp

Các khớp nhân tạo bị thất bại là do vị trí kim loại hay xi măng kết nối xương bị lỏng. Khớp nhân tạo bị lỏng sẽ gây đau đớn cho bệnh nhân. Khi cơn đau trở nên trầm trọng, vượt sức chịu đựng của người bệnh, một ca phẫu thuật khác có thể được cân nhắc thực hiện để sửa chữa khớp nhân tạo.

Với công nghệ tiên tiến hiện nay, các bác sĩ đã có khả năng kéo dài thời gian sử dụng của khớp nhân tạo. Tuy nhiên, đa phần khớp nhân tạo khi dùng một thời gian sẽ bị lỏng, cần đến một cuộc phẫu thuật khác. Với khớp vai nhân tạo, bệnh nhân có sử dụng được khoảng 12 – 15 năm.

Trật khớp

Tương tự khớp vai thật, khớp vai nhân tạo cũng có khả năng bị di lệch. Khớp nhân tạo luôn có nguy cơ trật khớp cao hơn. Do đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn làm thế nào để tránh những hoạt động và vị trí có khả năng gây ra trật khớp vai. Khớp vai nhân tạo khi bị trật nhiều hơn một lần có thể cần một ca phẫu thuật khác để giúp nó ổn định hơn.

GAI XƯƠNG: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Mặc dù thuật ngữ “gai xương” có thể gợi lên cảm giác đau thốn khó tả khi được nhắc đến nhưng thực tế, người bệnh thường không cảm nhận được các triệu chứng đau nhức, tê ngứa rõ ràng cho đến khi gai xương phát triển quá lớn, gây chèn ép lên các mô mềm xung quanh.

Qua bài viết sau, ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học sẽ cung cấp những thông tin thiết yếu xoay quanh căn bệnh này để mọi người có thể sớm nhận biết khi nào chúng hình thành và có biện pháp can thiệp kịp thời, phù hợp và hiệu quả.

gai xương

Gai xương là gì?

Gai xương (tên tiếng Anh: bone spurs hoặc osteophytes) là những cấu trúc xương cứng, nhẵn hình thành ở đầu xương có khớp bị thương tổn (1). Chúng có thể hình thành ở nhiều bộ phận trên cơ thể, nhưng thường gặp nhất vẫn là ở:

  • Cột sống
  • Đầu gối
  • Cổ
  • Gót chân
  • Háng
  • Vai
  • Cổ tay

Hầu hết trường hợp, người có gai xương nhỏ thường không vấn đề quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu kích thước quá lớn, những cấu trúc xương lồi ra này có thể cọ xát vào các xương khác khi người bệnh vận động hoặc chèn ép rễ thần kinh và tủy sống gần đó, khiến bệnh nhân cảm thấy đau yếu và cứng khớp.

Đối tượng dễ mắc bệnh

Hầu hết trường hợp, gai xương chủ yếu hình thành ở người cao tuổi, đặc biệt là từ 60 trở lên. Mặc dù vậy, bởi vì nhiều nguyên nhân, yếu tố khác nhau mà trong nhiều năm qua, ngay cả người trẻ tuổi cũng có khả năng gặp phải vấn đề này.

Các loại gai xương thường gặp

Tùy vào vị trí hình thành mà gai xương được các chuyên gia phân loại thành nhiều nhóm khác nhau, chẳng hạn như:

1. Gai cột sống

Những cấu trúc xương thừa mọc hướng ra ngoài và dọc theo hai bên thân đốt sống gọi là gai cột sống. Chúng có thể gây đau lưng hoặc cổ bằng cách:

  • Khiến các đốt sống ma sát với nhau trong các cử động của lưng, cổ và dẫn đến viêm khớp
  • Chèn ép rễ thần kinh và gây ra dị cảm (ngứa ran) kèm theo các cơn đau cổ, lưng
  • Phát triển vào ống sống, chèn ép tủy sống dẫn đến tình trạng suy nhược, yếu cơ, đau nhức cùng nhiều triệu chứng khó chịu khác

bệnh lý gai cột sống

2. Gai khớp gối

Khi lớp sụn khớp ở đầu gối bị tổn thương dẫn đến bào mòn (thoái hóa khớp gối), các đầu xương tại đây sẽ bị kích thích và viêm do áp lực và ma sát trong khớp gối tăng lên khi bộ phận này thực hiện các chức năng thường ngày (co, duỗi chân, chống đỡ trọng lượng cơ thể…).

Khi đó, các tế bào xương sẽ phản ứng lại bằng cách hình thành gai xương để hỗ trợ bảo vệ khớp gối. Tuy vậy, gai khớp gốiquá nhiều hoặc phát triển quá mức sẽ gây biến dạng khớp, đồng thời hạn chế khớp cử động.

3. Gai gót chân

Gai gót chân là những gai xương hình thành ở xương gót do hiện tượng canxi lắng đọng lâu ngày tại đây. Các gai này có xu hướng “mọc” về phía vòm bàn chân, đồng thời thường xuất hiện ở những người bị viêm cân gan bàn chân. Sự phát triển của gai gót chân có thể khiến bệnh nhân cảm thấy đau ở mỗi bước đi.

4. Gai khớp háng

Khớp háng bị thoái hóa cũng dẫn đến tình trạng gai xương phát triển ở bộ phận này. Một số bệnh nhân có thể không có biểu hiện rõ ràng trong nhiều năm. Tuy nhiên, những triệu chứng khó chịu như đau, cứng khớp và giảm biên độ vận động là điều khó tránh khỏi nếu gai đã phát triển và chèn lên các mô mềm xung quanh.

Nguyên nhân bị gai xương

Lớp sụn khớp bị bào mòn sẽ làm lộ các đầu xương, khiến chúng trực tiếp cọ xát vào nhau mỗi khi cơ thể cử động, lâu ngày dẫn đến mất xương. Lúc này, cơ thể sẽ tự chữa lành thương tổn bằng cách thúc đẩy quá trình hình thành những đoạn xương mới tại đây. Tình trạng này thường có mối liên hệ mật thiết với các vấn đề như: (2)

Bên cạnh đó, một số yếu tố dưới đây cũng có khả năng góp phần phát triển gai xương, bao gồm:

  • Lớn tuổi
  • Thừa cân, béo phì
  • Cong vẹo cột sống
  • Hoạt động không đúng tư thế
  • Tiền sử gãy xương
  • Thói quen đi giày không vừa chân
  • Di truyền

gai xương ở gót chân

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết gai xương phát triển

Thực tế, bản thân gai xương khớp không gây đau. Thay vào đó, triệu chứng này chủ yếu là do các vấn đề liên quan (thoái hoá, viêm khớp…) dẫn đến.

Ngoài ra, kích thước của gai quá lớn cũng có nguy cơ kéo theo nhiều hệ luỵ khôn lường. Chẳng hạn như, trong trường hợp gai cột sống, các đoạn xương dư thừa phát triển quá mức sẽ chèn ép rễ thần kinh gần đó và gây đau ngứa, tê yếu hay châm chích ở một số bộ phận (tay, chân…) tuỳ vào dây thần kinh bị ảnh hưởng. (3)

Mặt khác, tùy theo vị trí xuất hiện mà người bệnh cũng sẽ có những biểu hiện, vấn đề khác nhau, ví dụ như:

  • Ở vai: gân và dây chằng bị chèn ép, có thể gây viêm gân hoặc thậm chí là rách cơ chóp xoay vai
  • Ở đầu gối: gặp khó khăn trong việc co, duỗi chân
  • Ở ngón tay: có thể thấy rõ nốt sần (u) hình thành bên dưới da

Chẩn đoán gai xương

Trước tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra và đánh giá bệnh sử của người bệnh, sau đó tiến hành khám sức khỏe tổng quát. Đôi khi, những gai xương có thể phát hiện bằng cách quan sát và sờ, cảm nhận vùng da quanh khớp bị đau trong buổi kiểm tra này. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp, bệnh nhân chỉ biết mình có gai xương sau khi đã làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như:

  • Chụp X-quang
  • Chụp CT với mục đích kiểm tra chi tiết ở xương và nhiều mô khác mà phim X-quang không cung cấp rõ
  • Chụp MRI giúp kiểm tra tình trạng cụ thể ở lớp sụn và dây chằng

Các phương pháp điều trị gai xương

Hầu hết bệnh nhân bị chèn ép rễ thần kinh bởi gai xương ở mức độ nhẹ, trung bình có thể kiểm soát tốt các triệu chứng mà không cần áp dụng đến phẫu thuật. Mục tiêu của hướng điều trị bảo tồn là chấm dứt các đợt đau viêm thông qua những giải pháp sau: (4)

Sử dụng thuốc giảm đau

Thuốc giảm đau, đặc biệt là paracetamol, có thể là lựa chọn chữa trị đầu tay trong phần lớn trường hợp đau ít, nhẹ, không quá nghiêm trọng. Nếu người bệnh có dấu hiệu viêm, bác sĩ có thể đề xuất giải pháp phù hợp hơn, chẳng hạn như ibuprofen, naproxen… thuộc nhóm thuốc giảm đau kháng viêm không chứa steroids (NSAIDs).

Mặc dù những loại thuốc này có tác dụng ức chế enzyme liên quan đến tình trạng viêm gây đau nhức, từ đó thuyên giảm các triệu chứng khó chịu nhưng bên cạnh đó, thuốc cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến dạ dày, thận và tim mạch nếu không được dùng đúng cách. Vì vậy, bệnh nhân cần lưu ý tuyệt đối sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, nếu có bệnh sử về thận hay dạ dày, hãy báo với các chuyên khoa ngay từ đầu để họ cân nhắc kê toa loại thuốc phù hợp hơn, chẳng hạn như thuốc NSAIDs chọn lọc COX-2.

Tiêm steroid để giảm sưng, đau ở các khớp

Nếu giải pháp dùng thuốc giảm đau không đem lại hiệu quả như mong đợi, tiêm steroid vào khớp có thể được chỉ định để thay thế. Sau khi được tiêm vào khớp, steroid có tác dụng tạm thời giảm sưng viêm tại đây và khu vực xung quanh, từ đó giúp giảm đau, cứng khớp. Tuy nhiên, có hai điều sau đây người bệnh nên chú ý khi lựa chọn phương pháp điều trị này, đó là:

  • Chỉ được tiêm tối đa ba mũi steroid trên cùng một khớp trong vòng một năm
  • Thuốc steroid chỉ có tác dụng giảm đau, kháng viêm mạnh chứ không có khả năng chữa gai xương tận gốc

khớp bị thoái hóa

Vật lý trị liệu

Tuy không thể điều trị gai xương khớp nhưng tập vật lý trị liệu lại có thể hỗ trợ thư giãn cơ, khớp, đồng thời tăng cường sức mạnh và tính linh hoạt của chúng, qua đó cải thiện khả năng vận động của người bệnh. Chính vì vậy, việc luyện tập là yếu tố không thể thiếu trong mọi phác đồ điều trị các vấn đề về cơ xương khớp.

Mỗi người bệnh sẽ có kế hoạch tập luyện riêng, tùy theo tình trạng và vị trí hình thành mấu xương thừa. Tham vấn cùng các chuyên gia vật lý trị liệu có thể giúp bệnh nhân xây dựng chương trình tập hiệu quả với những bài tập phù hợp như:

  • Căng giãn cơ, gân, bao khớp
  • Tư thế sinh hoạt và làm việc phù hợp, không gây hại lên xương khớp
  • Tập mạnh các nhóm cơ quanh khớp giúp hỗ trợ vận động, giảm tải lực lên khớp đang tổn thương

Chú trọng nghỉ ngơi

Rèn luyện thể chất có thể giúp tăng cường sức mạnh cơ và cải thiện chức năng, tính linh hoạt của khớp nhưng vận động quá nhiều sẽ gây phản tác dụng. Vì vậy, bên cạnh việc luyện tập, bệnh nhân cũng nên chú trọng vấn đề nghỉ ngơi để cơ thể có thời gian hồi phục. Hãy tham vấn cùng các bác sĩ để cùng xây dựng quy trình hoạt động – nghỉ ngơi xen kẽ hợp lý, từ đó nâng cao hiệu quả của phác đồ điều trị.

Gai xương có nên mổ không?

Phẫu thuật loại bỏ gai xương thường không cần thiết, vì các triệu chứng khó chịu có thể được kiểm soát tốt bằng phương pháp điều trị bảo tồn. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn sẽ đề xuất hướng điều trị xâm lấn này nếu:

  • Các lựa chọn chữa trị trên không đem lại hiệu quả như mong đợi
  • Dây thần kinh bị chèn ép, tổn thương nặng (đối với trường hợp gai cột sống)
  • Biên độ hoạt động của khớp bị hạn chế

Lúc này, các chuyên gia sẽ giải thích quy trình, hiệu quả và cả rủi ro của ca phẫu thuật sắp tới, ví dụ như nhiễm trùng, xuất huyết, hình thành huyết khối (cục máu đông)…

Với hệ thống máy móc, thiết bị tân tiến, cùng đội ngũ bác sĩ đầu ngành giàu kinh nghiệm, hiện nay Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tự hào có thể triển khai thành công các kỹ thuật tân tiến, ít xâm lấn nhất giúp bệnh nhân giảm đau, hạn chế biến chứng hậu phẫu và đẩy nhanh quá trình hồi phục, sớm tìm lại niềm vui cuộc sống.

Tuỳ vào nguyên nhân hình thành gai xương mà các bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp tại Bệnh viện Tâm Anh sẽ cân nhắc và chỉ định loại phẫu thuật phù hợp, chẳng hạn như phẫu thuật nội soi khớp gối, nội soi khớp vai, khớp khuỷu hay kỹ thuật SUPERPATH trong phẫu thuật thay khớp háng…

Cách chăm sóc và phục hồi cho người có gai xương

Ngoài việc tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ, bệnh nhân cũng nên xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh. Đặc biệt, duy trì cân nặng phù hợp là điều cần thiết để giảm bớt áp lực đè nặng lên các khớp, xương đang chịu thương tổn.

Kết hợp việc luyện tập với một chế độ ăn uống gồm những thực phẩm giàu dưỡng chất tốt cho xương khớp như canxi, vitamin D và omega-3… sẽ góp phần giúp người bệnh cải thiện tình trạng sức khỏe tốt hơn. Bên cạnh đó, đừng quên kiêng bia rượu và một số thực phẩm nhiều đường, muối hay chất béo bão hòa để tránh khiến các triệu chứng đau, sưng viêm trở nên tệ hơn.

Cách ngăn ngừa gai xương hiệu quả

Phòng ngừa gai xương hình thành là điều không thể nếu tình trạng này liên quan đến thoái hóa khớp hoặc cột sống. Tuy nhiên, một số biện pháp dưới đây có thể hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ hình thành những mấu xương thừa này từ những vấn đề khác, bao gồm:

  • Mang giày vừa với chân, có đệm và phần hỗ trợ vòm bàn chân tốt
  • Xây dựng thực đơn ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nhiều canxi và vitamin D nhằm bảo vệ xương chắc khỏe
  • Thường xuyên vận động, rèn luyện thể chất
  • Giảm cân nếu cần thiết
  • Thăm khám cùng bác sĩ càng sớm càng tốt khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nào ở khớp (đau, sưng, cứng…) để có biện pháp can thiệp kịp thời, hiệu quả

HOẠI TỬ CHỎM XƯƠNG ĐÙI NGÀY CÀNG TRẺ HÓA

Hoại tử chỏm xương đùi ngày càng phổ biến, xảy ra ở cả người trẻ tuổi, có thể dẫn tới di chứng nặng nề như phải thay khớp háng nhân tạo.

hoại tử chỏm xương đùi

Bệnh khó phát hiện

Hoại tử chỏm xương đùi hay hoại tử vô mạch là một trong những bệnh lý nặng ở khớp háng, có tỷ lệ người châu Á mắc phải khá cao. Hoại tử chỏm xương đùi rất thường gặp ở người lớn tuổi, nhất là sau té ngã, do ảnh hưởng của sự thoái hóa xương khớp, thần kinh hay thị lực làm rối loạn kiểm soát thăng bằng… Theo ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh, hiện nay bệnh cũng xuất hiện ở độ tuổi trẻ hơn từ 30 đến 50, phổ biến hơn ở nam giới, do đặc thù giải phẫu học, tính chất công việc, thói quen sinh hoạt…

Người bệnh bị hoại tử chỏm xương đùi có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như do lắng đọng chất béo trong mạch máu, thiếu máu hồng cầu hình liềm, bệnh Gaucher, hoặc do tác dụng phụ của bức xạ điều trị ung thư, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài liều cao…

Với nguyên nhân chấn thương, hoại tử chỏm xương đùi xuất phát từ một chấn thương nhỏ trong sinh hoạt, lao động, tập luyện thể dục thể thao… khi tiếp đất với tư thế ngã ngồi gây gãy cổ xương đùi, trật khớp háng. Một số trường hợp khác không rõ nguyên nhân gây hoại tử chỏm xương đùi.

chỏm xương đùi bị hoại tử

Tình trạng hoại tử chỏm xương đùi diễn biến rất âm thầm, chỉ xuất hiện rõ rệt ở giai đoạn trung bình hoặc nặng.

Sau khi gãy cổ xương đùi, trật khớp háng, mạch máu sẽ bị đứt hoặc chèn ép khiến cho các tế bào xương, tủy xương bị thiếu máu, thiếu oxy nuôi dưỡng và chết dần. Ban đầu, các tổ chức hoại tử biểu hiện bằng tình trạng thưa xương, lâu dần hình thành ổ khuyết xương khiến cho xương dưới sụn dễ bị gãy. Nghiêm trọng nhất là nguy cơ thoái hóa thứ phát, mất chức năng và phải áp dụng biện pháp thay khớp háng nhân tạo để khôi phục khả năng vận động cho người bệnh.

Tình trạng hoại tử xuất hiện sau chấn thương khá lâu, khoảng 2 năm, nên nhiều người thường ít chú ý, khó nhận biết. Ban đầu, các cơn đau chỉ xuất hiện khi có tác động lực, tần suất thấp, nghỉ ngơi sẽ giảm đau. Khi đã ở giai đoạn trung bình hoặc nặng, khớp háng bị đau thường xuyên, rõ rệt, kể cả khi không có tác động lực. Cơn đau thường khởi phát ở bẹn, lan xuống đùi, đôi khi gây đau cả ở sau mông. Người bệnh gặp khó khăn khi dạng chân, đi khập khiễng do độ dài hai chân bị chênh lệch… Một số bệnh nhân có cảm giác đau vùng gối nên rất dễ bị chẩn đoán nhầm là thoái hóa khớp gối.

Hoại tử chỏm xương đùi không phải là bệnh lý phổ biến nhưng để lại di chứng rất nặng nề. Khi các tế bào xương và sụn ở xương đùi bị hoại tử hoàn toàn gây biến dạng khớp, thoái hóa khớp khiến cho khớp háng bị mất chức năng. Người bệnh không còn khả năng vận động. Vì vậy, việc phát hiện và chẩn đoán sớm có ý nghĩa quan trọng trong điều trị hoại tử chỏm xương đùi.

Phương pháp điều trị 

Bác sĩ Đặng Khoa Học cho biết, để xác định hoại tử chỏm xương đùi, bác sĩ sẽ dựa vào kết quả chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng. Bác sĩ hỏi tiền sử, thói quen sinh hoạt và yêu cầu người bệnh thực hiện một số động tác như ngồi xổm, xoay hoặc khép háng… Nếu có yếu tố chấn thương hay các bệnh lý phối hợp, bác sĩ sẽ hướng nghi ngờ đến hoại tử chỏm xương đùi.

Chụp cộng hưởng từ MRI được cho là một trong những phương pháp định bệnh và theo dõi kết quả điều trị hiệu quả, an toàn. Tại BVĐK Tâm Anh, người bệnh được sử dụng hệ thống máy cộng hưởng từ 1,5-3.0 Tesla có khả năng cung cấp hình ảnh sắc nét, đánh giá cấu trúc các cơ quan chi tiết, phát hiện tổn thương có kích thước nhỏ, vị trí khó xác định như khớp háng.

phẫu thuật thay khớp háng super path

Bác sĩ Đặng Khoa Học phẫu thuật thay khớp háng SuperPath tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Để điều trị hoại tử chỏm xương đùi bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp bảo tồn như dùng thuốc (bisphosphonates), vật lý trị liệu (trường điện từ, sóng âm), tiêm các yếu tố sinh học… Với một số trường hợp khớp chưa bị hư hại nặng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật khoan giải ép bằng cách mổ mở hay kết hợp nội soi. Nếu người bệnh đau đớn nhiều, chỏm xương đùi bị xẹp, thoái hóa ổ cối nặng, giải pháp phẫu thuật sẽ được đề ra là thay khớp háng toàn phần.

Tuy nhiên, vì hầu hết trường hợp hoại tử chỏm xương đùi gặp ở tuổi trung niên và thanh niên nên phải chọn phương pháp, vật liệu thay khớp phù hợp nhất, bền nhất và ít giới hạn vận động nhất cho bệnh nhân. Ví dụ thay khớp háng Superpath với đường mổ nhỏ, không cắt cơ, sau phẫu thuật bệnh nhân vẫn có thể bắt chéo chân, ngồi xổm, khép háng và gần như không giới hạn hoạt động sinh hoạt nào- điều mà các phương pháp thay khớp háng cổ điển không làm được.

Tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình BVĐK Tâm Anh, các chuyên gia lựa chọn những đường mổ tối ưu với khả năng đảm bảo thao tác thay khớp thuận lợi, giảm tối đa tổn thương phần mềm, bảo vệ các nhóm cơ và tính thẩm mỹ cho người bệnh. Nhờ áp dụng đường mổ cải tiến Superpath có độ dài chỉ khoảng 5 cm, không xâm lấn hệ thống cơ và bao khớp sau nên người bệnh ít bị đau, giảm mất máu và có thể đi lại nhẹ nhàng từ ngày thứ hai sau mổ thay khớp háng do bị hoại tử chỏm xương đùi, bác sĩ Đặng Khoa Học cho biết thêm.